Công ty TNHH thép Trần Anh  |  Email: theptrananh@gmail.com  |  Hotline : 0937 078 239  |  Zalo: 0937078239

vienja

ta logo

Tình hình dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp trong nước, tuy nhiên một số vướng mắc về nguyên, phụ liệu (NPL), linh phụ kiện nhập khẩu đến nay cơ bản được khắc phục.

 Mặc dù vậy, thời gian tới mới là thời điểm khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp (DN) khi thị trường trong nước dự báo còn tiếp tục suy giảm, thị trường thế giới vẫn hết sức bấp bênh mà dịch bệnh thì chưa thể kiểm soát. 

 

16e5cd490c9431e8268b471809e082a8

 

Khó khăn chồng chất

Quý I vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là các ngành chế biến, chế tạo. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp NPL nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất trong nước cũng ngay lập tức bị ảnh hưởng. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công thương, việc thiếu NPL cơ bản chưa tác động quá nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất do hầu hết các DN vẫn có thể cân đối từ nguồn NPL dự trữ cũng như các đơn hàng sẵn có từ cuối năm trước cũng như đầu năm nay. Thực tế, đa số các ngành công nghiệp trong quý I vừa qua vẫn có sự tăng trưởng tuy không giữ được mức tăng trưởng như cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, sự sụt giảm tăng trưởng của một số ngành như: sản xuất ô-tô, kim loại, đồ uống,... lại chủ yếu do nguyên nhân từ thị trường tiêu thụ trong nước suy giảm.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước thời gian qua, cùng các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ của Chính phủ và các địa phương, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã sụt giảm mạnh. Cụ thể, việc bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người khi ăn uống, mua sắm đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các mặt hàng đồ uống như bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá,... Tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm và tâm lý e ngại dịch bệnh còn có khả năng kéo dài của phần lớn người tiêu dùng, nhất là đối với các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ... cũng khiến giảm sức tiêu thụ, mua sắm. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các mặt hàng sắt, thép xây dựng cũng giảm do thị trường bất động sản trầm lắng, cộng thêm các vướng mắc về thủ tục giải ngân đầu tư công chậm được giải quyết bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính vì vậy, trong quý vừa qua, các ngành sản xuất ô-tô, sản xuất kim loại và sản xuất đồ uống chính là các ngành có chỉ số tăng trưởng thấp nhất, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất đồ uống sụt giảm tới 9% so cùng kỳ, đồng thời chỉ số tồn kho tăng cao.

Cần gấp sự hỗ trợ

Thực tế hiện nay, với việc khôi phục sản xuất từ phía Trung Quốc và một số quốc gia khác, nguồn cung NPL nhập khẩu có thể không còn là khó khăn lớn với các DN sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu và Hoa Kỳ, khiến các nước này phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Việc hạn chế này cùng với tâm lý lo ngại về dịch bệnh, cắt giảm chi tiêu để lo phòng, chống dịch dẫn đến nhu cầu mua sắm trên toàn cầu giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các ngành này được đầu tư vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, chủ yếu hướng đến thị trường nước ngoài, trong đó đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Như đối với hai ngành dệt may và da giày, hiện nhiều khách hàng lớn ở Mỹ và châu Âu đã đề nghị DN Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới hay thậm chí hủy hợp đồng đã có. Trong khi đó, việc chuyển hướng vào thị trường nội địa cũng không dễ vì đa số DN thường gia công cho các thương hiệu nước ngoài, mẫu mã, nguyên liệu sử dụng nhằm để đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, chưa chắc phù hợp với thị trường trong nước. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.

Các DN có thể chuyển hướng xuất khẩu ra nhiều thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhưng nhìn chung rất khó có thể bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ và châu Âu. Cùng với đó, thời gian tới đơn hàng dệt may và giày dép của Việt Nam có thể gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa của Trung Quốc do năng lực sản xuất của nước này rất lớn và cơ bản đã được phục hồi. Hiện nay, ngành dệt may và ngành da - giày là những ngành tạo việc làm cho nhiều lao động nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (khoảng gần bốn triệu lao động). Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tại Mỹ và châu Âu, gần như 100% các DN sẽ bị ảnh hưởng, và có thể sẽ tác động đến hơn ba phần tư số lao động trong các ngành này, với hơn ba triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ liên quan.

Theo Bộ Công thương, ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là duy trì hoạt động của các DN công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn này, bởi việc để một DN đóng cửa vĩnh viễn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đối với các DN khác theo chuỗi cung ứng. Do đó, cần quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trước hết, tập trung cho công tác thông quan, khơi thông nguồn cung NPL nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các DN bảo đảm hoạt động sản xuất, nhất là các DN nhỏ và vừa, đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh. Mặt khác, cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các DN. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tài chính sẽ được triển khai như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất,…

vẫn cần có các giải pháp mạnh hơn. Chẳng hạn như: xem xét miễn giảm thuế thu nhập DN chứ không chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế như hiện nay, giảm hơn nữa lãi vay giúp DN vượt khó...

 

NGUYỆT BẮC

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY TNHH THÉP TRẦN ANH

Địa chỉ : 72/41A, Đường số 16, Khu phố 4, Phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

MST : 0314.735.615    -    Email : theptrananh@gmail.com

Điện thoại : 0283.7655.838 - 0937.078.239    -    Fax : 0283.7655.838

Địa chỉ Kho hàng : 73/5, Đường số 2, KCN Vĩnh Lộc, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Thời gian làm việc : Từ T2 - T7; 8:00 AM - 5:00 PM

LIÊN HỆ BÁO GIÁ

: 12 + 12 =
: 7 + 9 =